Tổng kết năm 2013 : phe lề dân thắng thế, phe lề phải ngọng nghịu! (Dương Thành Tân)

“…Chu Vũ Vương đến tìm ông Lã Thái Công mà bàn mưu phạt Trụ. Thái Công bàn : Tiểu nhân đầy đường thì nhân mạng rẻ rúng, người hiền trốn chạy thì cương kỷ bắt đầu vỡ, dân oán mà không dám oán dám than, là chính trị hà khắc đã quá mức, ta đem binh mà đánh tất sẽ thắng lớn…”Dù có cho tiền, chính quyền cộng sản cũng không dám thừa nhận những thất bại trong việc dập tắt việc đòi hỏi dân chủ. Những ngày tháng trong năm vừa qua, phong trào đấu tranh dân chủ đã đạt những thành công vượt bực. Tuy nhiên, phe đấu tranh lề dân vẫn chưa ý thức hết thành quả của họ.
Rõ ràng nhất là thành tựu của nền báo chí lề dân. Báo chí lề dân là một hiện tượng phi thường của ba thành phần: người viết, người đăng tải và đọc giả. Phi thường vì không có chỉ huy, không có tập trung và không có ngân sách. Người viết muốn viết gì thì viết. Người đăng muốn đăng gì thì đăng. Độc giả muốn đọc gì thì đọc. Hoàn toàn tự do viết, đăng, đọc để rồi cuối cùng chọc thủng được sự bưng bít thông tin của cộng sản. Sớm hay muộn, tự do trong đầu óc cũng sẽ kéo theo tự do thật sự trong cuộc sống.
Nhiều người lên án giới trí thức ở Việt nam. Nhiều khi quá mức. Nhưng xin độc giả chú ý, lực lượng trí thức thuần túy không có khả năng lật đổ chánh quyền. Nhất là khả năng lật đổ trực tiếp bằng bạo lực. Muốn được vậy thì những thành phần trí thức này phải gia nhập vào những tổ chức chính trị. Những tổ chức chính trị phải có lực lượng vũ trang. Điều mà Việt Nam không có. Phần đông trí thức cũng không muốn lật đổ cộng sản bằng vũ lực. Họ chỉ muốn chánh quyền Việt Nam thay đổi. Thay đổi khác với lật đổ. Lật đổ là xóa hoàn toàn rồi làm lại. Thay đổi thì sữa đổi luật pháp, quyền hạn con người, kinh tế, độc quyền, đa đảng…  để đi đến một xã hội công bằng hơn. Thay đổi là một giải đáp tối ưu cho đất nước. Nhưng cộng sản không muốn thay đổi. Vậy giới trí thức đã làm được gì?
Xin thưa là họ đã thay đổi tâm lý của quần chúng. Đảng cộng sản không thay đổi nhưng nhân dân đã thay đổi. Tình thế này sẽ dần dần dồn đảng cộng sản  vào thế phải lựa chọn: Thay đổi hay bị lật đổ.
Với những hành động, bài báo, hình ảnh, cuộc biểu tình, bất tuân dân sự… tưởng chừng như nhỏ nhoi, nhưng đã lần hồi đốn ngã những bức tường thành mà cộng sản đã dày công tạo dựng để cai trị đất nước.
Những mũi tấn công
Vụ Hồ Chí Minh - Hồ Tập Chương là một mũi tấn công. Cộng sản Việt Nam không dám và không thể làm rõ vụ này nên im lặng. Không trả lời cũng là một cách trả lời. Trong chính trị, im lặng là thất bại. Huyền thoại Hồ Chí Minh cũng chết trong im lặng.
Những bài viết về nền chính trị dân chủ đã chứng minh rằng làm chính trị không xấu xa như những gì dân chúng thấy ở Việt Nam. Trong một nền dân chủ, người làm chính trị hy sinh và phục vụ rất nhiều cho người khác. (Nét đẹp của chính trị, tác giả Đoan Trang, là một điển hình ). Giới trí thức trẻ có hoài bão của Việt Nam đã gạt bỏ được cản trở tâm lý để sẵn sàng trở nên những rường cột của đất nước.
Tuyên bố của các công dân tự do, blogger, tôn giáo... cũng là những mũi tấn công. Không những giới trí thức muốn thay đổi. Những thành phần khác, từ công nhân đến công chức, từ đảng viên đến người thường, từ trong nước đến hải ngoại cũng muốn thay đổi. Một lần nữa cộng sản cũng im lặng. Sau đó chỉ chống cự một cách rất yếu ớt. Cộng sản thất bại tiếp.
Việc tuyên bố từ bỏ đảng một cách công khai cũng là một mũi tấn công. Một lần nữa, cộng sản cũng chống đối một cách chiếu lệ vì không dám làm lớn chuyện này.
Sự ra đời, trưởng thành và bành trướng của những tổ chức dân sự đấu tranh cho dân oan, cựu tù nhân, cho nhân quyền... cũng là những mũi tấn công. Một trí thức trẻ can trường, có khả năng trở thành chính trị gia, đã phát biểu:
Trước nay tôi không làm việc có tổ chức. Tôi chỉ hoạt động độc lập,  viết bài phân tích. Nhưng tôi biết là mình sẽ bị khiếm khuyết trầm trọng và không thể đóng góp được gì nhiều cho công việc chung nếu chỉ ngồi viết. Hiện tại chính quyền cộng sản Việt Nam không còn sợ những người viết, vì dù có sợ thì họ không ngăn chặn được sự phát triển của các kênh thông tin tự do. Nhưng họ rất sợ người ta liên kết lại với nhau và làm việc chung trong các nhóm để hình thành các hội đoàn dân sự.
Lịch trình của cuộc cách mạng thành công phải qua 4 giai đoạn:
a) Tìm một số người cùng chí hướng để tập họp một nhóm nhỏ. Nhóm nhỏ này sẽ là đầu não khi thành một tổ chức lớn.
b) Liên kết với những cá nhân, tổ chức khác có cùng quan điểm, lập trường… hay ít nhất là cũng cùng mục tiêu với mình.
c) Tranh dành thế lực với chế độ cầm quyền .
d) Cũng cố quyền lực. Trong trường hợp dân chủ thì bằng phiếu cử tri và bằng cách thỏa hiệp, liên kết với các đảng phái khác.
Giới trí thức đấu tranh đang vào giai đoạn b: liên kết.. Mọi sự liên kết đều cần có sự hiểu biết nhau. Từ đó sẽ có những thỏa hiệp, nhân nhượng để hợp thành những sức mạnh. Vì đã quen biết, làm việc chung, va chạm với nhau, chỉ cần không khí chính trị thay đổi thì những tổ chức này chỉ cần lắc mình là thành những đảng phái chính trị. Cộng sản không thể cản trở những hành động liên kết. Đơn giản vì cộng sản không có đủ nhân tài và tiền bạc cạnh tranh được với những công ty hùng mạnh đã làm ra Facebook, Twitter, Disqus, Viber… và những sản phẩm sẽ được tung ra thị trường để giúp con người kết nối với nhau mau lẹ và an toàn hơn.
Trên đây là vài liệt kê sơ sài, còn nhiều thiếu sót, xin quý độc giả bổ xung qua còm. Vì không thể kể hết những thành tựu mà cộng đồng đấu tranh đã thực hiện trong năm vừa qua.
Chúng ta, những người đấu tranh, nên tự hào về những thành quả của bản thân và đồng đội mình.
Tương quan lực lượng đã thay đổi
Nhân dân Việt Nam, dù muốn hay không, cũng đã thay đổi. Xin chép lại một thời kỳ trong lịch sử để so sánh:
Chu Vũ Vương sai người đi quan sát động tĩnh của triều đình vua Trụ. Người quan sát trở về bảo; Triều đình nhà Trụ đã loạn rồi. Vũ Vương hỏi; Loạn đến độ nào ? Người quan sát đáp; Người tốt không thấy mà người xấu đầy đường. Vũ Vương nói; Vẫn chưa phải là lúc.
Người quan sát lại đi sang nước Thương, ít lâu sau về bảo: Thương Triều càng loạn. Các người hiền đức đã bỏ trốn. Vũ Vương nói: Vẫn chưa phải là thời cơ.
Người quan sát đành phải quay sang nước Thuơng một lần nữa. Ít lâu sao về bảo rằng: Thương triều loạn lớn rồi, dân chúng oán ghét thâm gan tím ruột mà không dám hé răng. Vũ Vương vỗ tay cười nói: Đã đến lúc rồi đó.
Chu Vũ Vương đến tìm ông Lã Thái Công mà bàn mưu phạt Trụ. Thái Công bàn: Tiểu nhân đầy đường thì nhân mạng rẻ rúng, người hiền trốn chạy thì cương kỷ bắt đầu vỡ, dân oán mà không dám oán dám than, là chính trị hà khắc đã quá mức, ta đem binh mà đánh tất sẽ thắng lớn.
Chu Vũ Vương điểm hơn ba ngàn quân tinh nhuệ, tiến đánh nhà Thương, thế như gió bão, vài ngày bắt giết được vua Trụ tiêu diệt nhà Thương.
Quần chúng Việt Nam đang ở trong giai đoạn dám nói. Dám nói một cách công khai. Nếu tinh ý một chút, chúng ta có thể tìm ra những dấu hiệu này ngay trên mạng. Những trí thức phát biểu về thời cuộc bằng những bài phân tích, kiến nghị... Người khác phát biểu bằng những lời còm, thích hay không thích (comment, like, dislike). Bản chất đầu tiên của còm là phê bình. Hay hoặc dỡ. Đồng ý hay phản đối. Lập tức nó nhanh chóng thay da đổi thịt để phong phú hơn. Tại sao hay? Tại sao dỡ? Hay nhưng mà còn thiếu điều này, dỡ nhưng mà được điểm kia. Lời còm trở thành phần không thể thiếu trong bất cứ bài phân tích, tin tức nào trên mạng của hai phe báo chính thống hay lề dân.
Những còm, thích và không thích (comment, like, dislike ) xem có vẻ tầm thường nhưng thật ra lại rất là hữu ích cho nền chính trị dân chủ sau này. Những hành động, lời nói của các chính trị gia được đánh giá ngay bởi dân chúng. Công việc đầu tiên của mỗi chính trị gia là phải thuyết phục được dư luận. Lần hồi chỉ có những phần tử tinh hoa, minh bạch, vì nước vì dân, lời nói đi đôi với việc làm mới leo lên được những chức vụ then chốt trong chính quyền.
Trong những blog của báo lề dân, các còm sĩ vạch trần những thủ đoạn cộng sản, đánh cho dư luận viên tơi bời. Những chỉ trích của họ đều có bằng chứng, nhân chứng, vật chứng... Điều mà các dư luận viên không có. Ngay trong những tờ báo chính thống, sự chửi bới này không thẳng thừng mà dùng nhiều ẩn dụ, hài hước, mỉa mai. Nhưng vẫn thâm thúy và quyết liệt. Dân chúng căm hận chế độ quá mức đến độ tím gan tím ruột. Tình thế đã chín muồi cho sự thay đổi chính trị.
Vì sau giai đoạn dám nói là giai đoạn dám làm. Không có giai đoạn nào khác nữa.
Bằng sự liên kết, giới trí thức đã chuẩn bị. Bằng sự dám nói, nhân dân cũng đã chuẩn bị. Năm 2013 là một năm chuẩn bị. Năm 2014 sẽ có những bất ngờ của lịch sử, có thể thay đổi nền chính trị ở Việt Nam.
Dương Thành Tân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét