Quy ước sinh hoạt THDCĐN

QUY ƯỚC SINH HOẠT
TẬP HỢP DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN
RALLY FOR DEMOCRACY AND PLURALISM 
RASSEMBLEMENT POUR LA DEMOCRATIE PLURALISTE (RDP)


Lời đầu 

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, sau đây có thể viết tắt là Tập Hợp, là tập hợp của những con người tự do cùng theo đuổi một lý tưởng chung là xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, đa nguyên, bao dung và tiến bộ, một nước Việt Nam mà những con người hôm nay có thể chấp nhận và những thế hệ mai sau có thể tự hào. 

Tập Hợp tôn trọng nhân cách và quyền tự do suy nghĩ và phát biểu của các thành viên. Gia nhập Tập Hợp không giới hạn quyền phát biểu mà còn cho phép các thành viên có thêm tự tin để phát biểu mạnh dạn hơn ý kiến của mình. Tập Hợp không chấp nhận kiểm duyệt ý kiến. Trong Tập Hợp không có những ý kiến cấm nêu ra và cũng không có những đề tài cấm bàn đến. Không một thành viên nào có thể bị khiển trách vì những ý kiến của mình và cũng không một thành viên nào có thể bị ngăn trở phát biểu ý kiến của mình. 
I. Điều khoản căn bản 

01. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một tập hợp đấu tranh chính trị, nhằm xây dựng cho Việt Nam, trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, bằng những phương tiện bất bạo động, một thể chế dân chủ đa nguyên đặt nền tảng trên xã hội dân sự. 

02. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trân trọng những bài học lịch sử nhưng khước từ mọi hệ lụy với các thành kiến và phe phái chính trị trong quá khứ. 

03. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mở cửa cho mọi người lương thiện chấp nhận lý tưởng chung. Các thành viên đều bình đẳng với nhau, không phân biệt sắc tộc, thành phần xã hội, tôn giáo, quá khứ chính trị, tuổi tác, kiến thức, nam nữ, thâm niên trong tổ chức. 

04. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên được tổ chức nhằm đạt các yêu cầu sau đây :

- Một mặt, phấn đấu để được quần chúng chấp nhận như là một phong trào yêu nước và đáng tin cậy; mặt khác liên tục học hỏi và rút kinh nghiệm, liên tục trau dồi bản lĩnh chính trị để đáp ứng đòi hỏi của đất nước và sẵn sàng lãnh trách nhiệm trước dân tộc.

- Thành viên của Tập Hợp là những chí hữu không những sinh hoạt với nhau vì lý tưởng và mục tiêu chung, mà còn có nhiệm vụ tinh thần giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống để thực hiện những hoài bão cá nhân chính đáng. 

II. Nguyên tắc sinh hoạt 

05. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên được tổ chức dựa trên hiệu quả và tinh thần đồng đội. Tập Hợp sinh hoạt với những định chế có phân nhiệm rõ ràng. 

06. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên được tổ chức nhằm mục đích phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi thành phần dân tộc.

Tập Hợp phải trở thành một phong trào được đông đảo quần chúng hưởng ứng; đồng thời Tập Hợp cũng phải duy trì vai trò của một tập thể có thiện chí và khả năng hướng dẫn quần chúng. 

07. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên được tổ chức trong tinh thần thống nhất giữa ngôn ngữ và hành động.

Tập Hợp qui tụ mọi người muốn xây dựng và chia sẻ một tương lai Việt Nam chung trong tinh thần tự nguyện và trung thực. Tập Hợp thể hiện một cách thường trực trong nội bộ cũng như đối với bên ngoài những giá trị mà mình muốn phát huy.

08. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên được tổ chức theo tinh thần dân chủ.

Được thể hiện thông qua các định chế chính thức, tinh thần dân chủ bao hàm những yêu cầu sau đây :

- Thông tin đầy đủ; thảo luận và biểu quyết tự do; ủy nhiệm công tác; kiểm soát và báo cáo công việc.

- Điều hành quyền lực hai chiều, từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới.

- Quyết định bằng đồng thuận hay, nếu cần, qua biểu quyết của đa số. Trong mọi trường hợp, không có việc cô lập thiểu số. 

09. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên được tổ chức trong tinh thần tự nguyện chấp hành kỷ luật.

Tinh thần này bao hàm tối thiểu những đòi hỏi sau đây :

- Tôn trọng nhân phẩm và quyền tự do của mỗi chí hữu.

- Tôn trọng quyết định của tập thể.

- Tôn trọng những thành viên được ủy nhiệm công tác.

- Thực hiện và báo cáo những công tác nhận lãnh. 

10. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên được tổ chức theo tinh thần đa nguyên.

- Một mặt, tinh thần đa nguyên bao hàm hai yêu cầu : phân quyền và phân nhiệm, tản quyền và tản nhiệm. Những gì các địa phương có thể làm trung ương sẽ ủy nhiệm. 

- Mặt khác, tinh thần đa nguyên bao hàm sự tôn trọng những ý kiến khác nhau.

11. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên dựa trên ý thức trách nhiệm.

Ý thức này đòi hỏi mỗi thành viên dù ở cương vị nào :

- Khi hành sử quyền hạn của mình, biết tự chế và tôn trọng các định chế và cấp bậc trong tổ chức.

- Biết tôn trọng ý kiến của người khác, biết nhận các sai lầm của mình, và tránh gây ra những xung khắc nội bộ. 

12. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên được tổ chức theo nguyên tắc tôn trọng tự do của mỗi người và bình đẳng giữa các thành viên.

Tập Hợp khuyến khích các thành viên phát huy toàn bộ nhân cách cùng những khả năng của mình, mạnh dạn hành sử mọi quyền của con người tự do và dấn thân trong tinh thần kỷ luật và trách nhiệm.

Các thành viên của Tập Hợp đều bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ trong sự điều hành ở mọi khâu, không có bất cứ một sự phân biệt đối xử nào như đã nói ở các điều 2 và điều 3, trừ những cách biệt về quyền hành do sự đảm nhận các chức vụ được tổ chức giao phó. 

13. Các quyết định được biểu quyết qua phổ thông đầu phiếu có giá trị cao nhất. Đa số của phổ thông đầu phiếu là quá bán của số phiếu hợp lệ. 


III. Cơ chế trung ương 

14. Cơ quan quyền lực cao nhất của Tập Hợp là ban lãnh đạo trung ương, gọi tắt là ban lãnh đạo.

Ban lãnh đạo thay mặt toàn thể chí hữu lấy các quyết định và đôn đốc, giám sát việc thi hành.

Ban lãnh đạo là cơ quan duy nhất có quyền giải thích Dự Án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên và Qui ước Sinh hoạt trong những tranh luận nội bộ.

Ban lãnh đạo biểu quyết mỗi khi thấy cần những qui định về cách thức sinh hoạt phù hợp với Qui ước Sinh hoạt này. 

15.

a. Ban lãnh đạo gồm các thành viên do các phân bộ bầu ra, với nhiệm kỳ ba năm, trong đại hội thường kỳ của mỗi phân bộ.

b. Mỗi phân bộ được quyền bầu ra một số thành viên vào ban lãnh đạo, tùy theo số lượng chí hữu của phân bộ. Tỷ lệ chính thức giữa số chí hữu của phân bộ và số thành viên ban lãnh đạo mà phân bộ được quyền có do ban lãnh đạo quyết định, trễ nhất là sáu tháng trước các đại hội thường kỳ của các phân bộ. Dựa trên tỷ lệ này, ban lãnh đạo sẽ thông báo cho mỗi phân bộ số đại biểu của phân bộ trong ban lãnh đạo. Để giải quyết các trường hợp đặc biệt, ban lãnh đạo có quyền uyển chuyển trong cách tính số đại biểu với điều kiện là tỷ lệ thực sự áp dụng cho một phân bộ không thấp hơn 15% so với tỷ lệ chính thức.

c. Giữa một nhiệm kỳ ban lãnh đạo, khi một phân bộ được thành lập và được ban lãnh đạo nhìn nhận tư cách phân bộ thì phân bộ đó có quyền bầu một đại diện vào ban lãnh đạo. Thành viên này cũng chấm dứt nhiệm kỳ cùng một lúc với các thành viên khác. 

d. Ban lãnh đạo có quyền biểu quyết, với đa số ít nhất 2/3, để bổ sung thành phần của mình. Không có sự phân biệt nào giữa các thành viên ban lãnh đạo. Các thành viên bổ túc mãn nhiệm cùng một lúc với ban lãnh đạo đã chỉ định mình. Tổng số các thành viên bổ túc không được vượt quá 1/3 số thành viên được bầu bởi các phân bộ.

e. Ban lãnh đạo biểu quyết theo đa số quá bán các thành viên tham gia biểu quyết, trừ những trường hợp được qui định một cách khác trong Qui ước Sinh hoạt này. Trong trường hợp có cùng số phiếu, phiếu của thường trực có giá trị quyết định.

f. Mọi thành viên ban lãnh đạo đều có quyền đề nghị, nhưng một đề nghị muốn được đem ra biểu quyết để thành quyết định của ban lãnh đạo phải do thường trực ban lãnh đạo hoặc ít nhất 1/3 thành viên ban lãnh đạo ủng hộ.

g. Các thành viên ban lãnh đạo biểu quyết và đưa ý kiến:

- hoặc trong các buổi họp của ban lãnh đạo. Ban lãnh đạo phải họp ít nhất một năm một lần;

- hoặc bằng cách thông báo cho thường trực ban lãnh đạo bằng mọi phương tiện có chứng từ.

h. Một thành viên ban lãnh đạo chỉ có thể mất tư cách thành viên ban lãnh đạo trong nhiệm kỳ của mình nếu qua đời, từ chức hoặc bị khai trừ khỏi Tập Hợp.

i. Đối với một số địa phương chưa thành phân bộ nhưng nhiều triển vọng, ban lãnh đạo có thể quyết định cho địa phương được có một thành viên dự khuyết trong ban lãnh đạo. Thành viên dự khuyết này tham gia mọi cuộc thảo luận nhưng không tham gia biểu quyết.

j. Ban lãnh đạo có thể yêu cầu toàn thể các chí hữu thông qua bằng phổ thông đầu phiếu một quyết định mà mình thấy là quan trọng và cần một đồng thuận lớn trong Tập Hợp. 

16. Ban lãnh đạo chủ yếu đảm nhiệm các trách nhiệm sau đây :

- Ngoại giao trên qui mô Tập Hợp và tiếng nói chính thức của Tập Hợp ;

- Định hướng và chiến lược chính trị ;

- Điều hợp và đảm bảo sự đồng bộ của các hoạt động địa phương ;

- Điều hợp các hoạt động trong nước trong thời gian chế độ độc tài còn cấm đoán hoặc cản trở các hoạt động chính trị.

17. Ủy viên thường trực ban lãnh đạo, gọi tắt là thường trực ban ban lãnh đạo hay thường trực, là một thành viên ban lãnh đạo được ban lãnh đạo bầu ra theo điều 15e và được toàn thể các chí hữu thông qua theo phổ thông đầu phiếu, với đa số quá bán của số phiếu hợp lệ. Thường trực có cùng nhiệm kỳ ba năm với ban lãnh đạo và mãn nhiệm cùng với ban lãnh đạo đã bầu ra mình.

Thường trực ban lãnh đạo điều khiển và quyết định nhật thứ các phiên họp của ban lãnh đạo. Mỗi thành viên ban lãnh đạo đều có quyền đề nghị những mục trong nhật thứ. Một mục được 1/3 thành viên ban lãnh đạo, hay nhiều hơn, đề nghị đương nhiên phải được đem vào nhật thứ.

Thường trực ban lãnh đạo không được kiêm nhiệm chủ tịch ban thường trực một phân bộ. 

18. Thường trực ban lãnh đạo thay mặt ban lãnh đạo trong các công tác thường ngày. 

19. Văn phòng ban lãnh đạo do thường trực ban lãnh đạo điều khiển gồm :

- một phó thường trực do ban lãnh đạo bầu ra, phụ tá thường trực trong mọi công việc, đặc biệt là việc đảm bảo sự tuân thủ Qui ước Sinh hoạt và các qui định và quyết định của ban lãnh đạo,

- các phụ tá do thường trực đề nghị và được ít nhất 50% thành viên ban lãnh đạo tán thành, trừ những phụ tá đã là thành viên ban lãnh đạo.

- Ít nhất 1/3 thành viên văn phòng ban lãnh đạo phải là thành viên ban lãnh đạo.

20. Thường trực ban lãnh đạo được quyền lấy quyết định trong các trường hợp sau đây :

1. Các công việc thường ngày, hoàn toàn phù hợp với Dự Án Chính Trị, Qui ước Sinh hoạt và các nghị quyết trước đó của ban lãnh đạo.

2. Các quyết định cấp bách, không thể đợi quá 15 ngày. Trong trường hợp này thường trực ban lãnh đạo phải tham khảo ý kiến của các thành viên ban lãnh đạo.

3. Các biện pháp tạm thời trên những vấn đề mà ban lãnh đạo chưa có quyết định. Các biện pháp tạm thời này không được ràng buộc Tập Hợp một cách lâu dài.

21. Ban lãnh đạo, với đa số ít nhất 2/3, có thể quyết định bãi nhiệm thường trực và tổ chức bầu cử lại thường trực ban lãnh đạo theo một thủ tục phù hợp với điều 17.

Trong thời gian thường trực mới chưa được bầu, phó thường trực là người xử lý thường vụ. Thường trực mới cũng mãn nhiệm kỳ cùng với ban lãnh đạo.


IV. Tổ chức địa phương 

22. Được coi là phân bộ các tập thể chí hữu sinh hoạt với một số lượng chí hữu ít nhất bằng con số tối thiểu do ban lãnh đạo qui định và được ban lãnh đạo nhìn nhận tư cách phân bộ. Quyết định nhìn nhận một phân bộ không được mâu thuẫn với điều 15b.

23. Các phân bộ phải họp đại hội phân bộ thường kỳ ba năm một lần. Tại mỗi phân bộ, đại hội chí hữu là cơ quan quyền lực cao nhất.

Tùy theo yêu cầu, các phân bộ có thể triệu tập những đại hội giữa nhiệm kỳ, ít nhất một năm một lần. Các đại hội giữa nhiệm kỳ có thẩm quyền như đại hội thường kỳ trừ việc bầu đại biểu vào ban lãnh đạo. Trong trường hợp đặc biệt mà đại hội giữa nhiệm kỳ bầu lại một phần hay toàn phần ban thường trực phân bộ thì toàn bộ ban thường trực phân bộ cũng mãn nhiệm sau đại hội thường kỳ kế tiếp. Các đại hội giữa nhiệm kỳ không có quyền bầu lại đại biểu trong ban lãnh đạo trừ trường hợp để bổ túc một thành viên ban lãnh đạo đang bị khuyết.

Các đại hội do ban thường trực phân bộ triệu tập. Chủ tịch ban thường trực phân bộ chủ tọa các đại hội và chỉ định thư ký. Nhật thứ các đại hội phân bộ do ban thường trực phân bộ quyết định. Ít nhất 1/3 số chí hữu của phân bộ có quyền yêu cầu ban thường trực phân bộ ghi vào một hay nhiều mục trong nhật thứ. Yêu cầu này phải được gửi tới chủ tịch ban thường trực phân bộ chậm nhất là 15 ngày trước ngày họp đại hội.

Ít nhất 1/2 số chí hữu trong phân bộ có quyền triệu tập một đại hội bất thường. Trong trường hợp này, những người triệu tập quyết định nhật thứ và chỉ định chuœ tọa và thư ký cho đại hội bất thường.

Biên bản các đại hội phải được gửi về văn phòng ban lãnh đạo chậm nhất là 30 ngày sau ngày họp đại hội. 

24. Đại hội phân bộ thường kỳ, họp vào tháng 11 hoặc tháng 12 của năm ngay trước năm bắt đầu một nhiệm kỳ mới, bầu ra ban thường trực phân bộ. Số thành viên ban thường trực phân bộ do đại hội quyết định nhưng không thể dưới ba (3) người. Mỗi chí hữu trong phân bộ đều được quyền ứng cử. Các thành viên ban thường trực phân bộ được bầu theo phổ thông đầu phiếu cùng một lượt với nhau. Nếu số thành viên ban thường trực phân bộ được ấn định là N thì N người có số phiếu cao nhất đắc cử. 

Ban thường trực phân bộ bầu ra chủ tịch ban thường trực phân bộ và tự tổ chức phân chia trách nhiệm. 

25. Đại hội thường kỳ phân bộ cũng bầu ra những đại biểu vào ban lãnh đạo theo số đại biểu được có trong ban lãnh đạo.

Các thành viên ban thường trực phân bộ và các đại biểu trong ban lãnh đạo chính thức nhận nhiệm vụ trễ nhất là ngày 31-01 của năm kế tiếp.

26. Giữa hai đại hội phân bộ, ban thường trực phân bộ thay mặt cho đại hội. Ban thường trực phân bộ biểu quyết theo đa số phiếu phát biểu. Trong trường hợp có cùng số phiếu, phiếu của chủ tịch ban thường trực phân bộ có giá trị quyết định.

Chủ tịch ban thường trực phân bộ chủ tọa các phiên họp của ban thường trực và quyết định nhật thứ. Một tiết mục được 1/3 hay nhiều hơn thành viên ban thường trực phân bộ đề nghị đương nhiên được ghi vào nhật thứ. 

27. Các phân bộ có toàn quyền quyết định sinh hoạt của mình, kết nạp và khai trừ các chí hữu phù hợp với các điều 35 và 36, tổ chức và tham gia các sinh hoạt địa phương, phối hợp với các tổ chức tại địa phương trừ những tổ chức mới thành lập hoặc ở trong số những tổ chức mà ban lãnh đạo cho là có vấn đề, trong trường hợp này phải có sự đồng ý của ban lãnh đạo. Các quyết định của phân bộ không được mâu thuẫn với các qui định và quyết định của ban lãnh đạo.

28. Các phân bộ có thể thành lập các tổ sinh hoạt thuộc quyền điều động của mình.

Một nhóm chí hữu ở những nơi không đủ số thành viên để lập một phân bộ có thể thành lập một tổ sinh hoạt. Mỗi tổ phải có ít nhất 3 chí hữu. Các tổ biểu quyết với đa số 1/2.

Ở các địa phương không đủ số lượng chí hữu để thành lập một phân bộ, các thành viên và các tổ có quyền, và được khuyến khích, sáp nhập vào một phân bộ gần địa phương mình để sinh hoạt.

Trong trường hợp có tổ sinh hoạt, sự sáp nhập này phải do biểu quyết trong tổ và có giá trị cho cả tổ. 

Các tổ sinh hoạt và các chí hữu không thuộc phân bộ nào trực thuộc văn phòng ban lãnh đạo.




V. Các ban chuyên môn 

29. Tùy yêu cầu và khả năng, ban lãnh đạo cũng như các phân bộ có thể tổ chức các ban chuyên môn.

Các ban chuyên môn có thể tranh thủ sự hợp tác của mọi chí hữu và thân hữu.

30. Các ban chuyên môn thành lập để thực hiện một công tác và chấm dứt nhiệm vụ cùng với công tác. Quyết định chấm dứt nhiệm vụ một ban chuyên môn thuộc thẩm quyền của định chế đã thành lập ra ban này. 


VI. Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên 

31. Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, được gọi là chí hữu, được bảo đảm quyền tự do phát biểu trên mọi vấn đề của Tập Hợp.

Ngoài các hội đoàn văn hóa, xã hội, một thành viên muốn gia nhập một tổ chức khác phải được sự đồng ý của ban lãnh đạo.

32. Mỗi chí hữu phải đóng liễm theo qui định của phân bộ, hoặc văn phòng ban lãnh đạo nếu không thuộc phân bộ nào, và có bổn phận tham gia các hoạt động cuœa Tập Hợp tùy theo khả năng của mình.

Ban lãnh đạo qui định mức liễm tối thiểu mà mỗi chí hữu phải đóng góp cho trung ương ngoài phần mà mỗi chí hữu phải đóng góp cho phân bộ của mình. Các phân bộ qui định mức liễm gộp và chuyển cho trung ương ít nhất phần thuộc về trung ương.

33. Một người muốn gia nhập Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên phải được ít nhất hai chí hữu giới thiệu và được một ban thường trực phân bộ hoặc văn phòng ban lãnh đạo kết nạp. Các phân bộ phải tham khảo ý kiến của văn phòng ban lãnh đạo trước khi quyết định chính thức kết nạp một chí hữu mới.

Một phân bộ không có quyền kết nạp một chí hữu cho một phân bộ khác.

34. Các chí hữu ở địa phương nào phải sinh hoạt với phân bộ của địa phương đó nếu địa phương đó có phân bộ.

35. Mọi chí hữu đều có thể quyết định ra khỏi Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên một cách thân thiện. Thư thông báo ra khỏi Tập Hợp được gửi tới phân bộ nơi mình sinh hoạt, hoặc tới văn phòng ban lãnh đạo nếu không thuộc phân bộ nào.

Một chí hữu có thể bị khai trừ vì vi phạm kỷ luật hay có hành động ngược lại lý tưởng và đường lối của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

Việc khai trừ một chí hữu, hoặc do ban thường trực phân bộ của đương sự đề nghị với đa số 2/3, hoặc do thường trực hay 1/3 thành viên ban lãnh đạo đề nghị, sau đó phải được ban lãnh đạo thông qua với đa số 2/3.

Thủ tục khai trừ một thành viên ban lãnh đạo và văn phòng ban lãnh đạo chỉ có thể xuất phát từ ban lãnh đạo.

Chí hữu đối tượng của thủ tục khai trừ phải được quyền giải thích và bào chữa đầy đủ trước phân bộ và ban lãnh đạo.

36. Mỗi chí hữu khi gia nhập Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và trong suốt thời gian còn là thành viên của Tập Hợp long trọng tuyên bố đã hiểu rõ và tán thành Dự Án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên đang có hiệu lực và Qui ước Sinh hoạt này. Hình thức cam kết do ban lãnh đạo qui định. 


VII. Điều khoản đặc biệt 

37. Mọi sửa đổi Qui ước Sinh hoạt phải do ban lãnh đạo biểu quyết với đa số 2/3 và sau đó phải được đưa ra để toàn thể các chí hữu biểu quyết thông qua bằng phổ thông đầu phiếu. 

38. Các chí hữu đã có mặt trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trước ngày ban hành Qui ước Sinh hoạt này mặc nhiên giữ nguyên tư cách chí hữu. 

39. Trong tương lai, cùng với những bước tiến của tiến trình dân chủ hóa, khi nhiều phân bộ đã được thành lập tại trong nước, Qui ước Sinh hoạt sẽ được tu chính để phù hợp với tình huống mới. Trước đó Qui ước Sinh hoạt này vẫn còn hiệu lực.

40. Trong giai đoạn chuyển tiếp kể từ ngày Qui ước Sinh hoạt này được thông qua cho đến ngày ban lãnh đạo đầu tiên được thành lập xong, số thành viên tối thiểu phải có để được coi là một phân bộ cũng như tỷ lệ giữa số thành viên của một phân bộ và số thành viên ban lãnh đạo mà phân bộ được có sẽ do ban thường trực hiện nay, được bầu tháng 12-1999, ấn định sau khi tham khảo với các địa phương.

Đặc biệt trong giai đoạn chuyển tiếp, các đại hội thường kỳ của các phân bộ có thể dời lại nhiều lắm là hai tháng so với qui định ở điều 25.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét