Dự án chính trị - I. Nhiệm vụ lịch sử

Cương Lĩnh

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
Thành Công Thế Kỷ 21
Dự Án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên 2001

Mục lục:

I. Nhiệm vụ lịch sử

II. Bối cảnh quốc tế và Việt Nam 

III. Đồng thuận nền tảng cho một cố gắng quốc gia mới 

IV. Những định hướng lớn 

V. Chế độ chính trị cho một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên 

VI. Chấm dứt độc tài và thiết lập dân chủ đa nguyên 

VII. Chuyển tiếp thành công về dân chủ 

VIII. Vì đất nước hôm nay và ngày mai: chung một giấc mơ Việt Nam

Tóm lược Thành Công Thế Kỷ 21



Dự án chính trị - I. Nhiệm vụ lịch sử
I. Nhiệm vụ lịch sử

Với một dân số đông đảo, những con người cần mẫn và một địa lý thuận lợi, Việt Nam có tiềm năng của một nước lớn và giàu mạnh, giữ một địa vị quan trọng trên thế giới, vẻ vang cho dân tộc và có ích cho loài người.

Mặc dầu vậy hiện nay chúng ta chỉ là một trong những nước nghèo và lạc hậu nhất thế giới. Mâu thuẫn đau lòng đó chất vấn mọi người Việt Nam trước ngưỡng cửa một thế kỷ và một thiên niên kỷ mới.

Bẩm sinh mọi con người, dù thuộc chủng tộc nào, đều có những khả năng như nhau. Nh¨ững chênh lệch về trình độ phát triển và mức sống của các dân tộc là hậu quả của điều kiện địa lý, tài nguyên thiên nhiên và cách tổ chức xã hội. Trong những yếu tố đó tổ chức xã hội có tầm quan trọng vượt hẳn. Tổ chức xã hội tốt hay xấu, khéo hay vụng có thể thay đổi hẳn số phận của một dân tộc. Thế giới đã thấy nhiều quốc gia mặc dầu đất đai chật hẹp, tài nguyên ít ỏi mà vươn lên mạnh mẽ trong khi nhiều quốc gia khác tuy rất được thiên nhiên ưu đãi mà vẫn quằn quại trong cảnh nghèo đói. Chúng ta càng ý thức được tầm quan trọng đặc biệt của tổ chức xã hội khi nhìn vào sự cách biệt hiện nay : bảy quốc gia phát triển nhất tuy dân số chỉ xấp xỉ 12% số người trên trái đất nhưng lại tập trung quá 2/3 tổng sản lượng của thế giới ; lợi tức của một người Nhật lớn gấp một trăm lần lợi tức của một người Việt Nam. Sự thua kém hổ nhục này một mặt bắt buộc chúng ta suy nghĩ về mình để tìm một lối đi cho mình, một mặt cho phép chúng ta tin tưởng rằng nếu tổ chức lại đất nước một cách hợp lý chúng ta chắc chắn sẽ thoát khỏi cảnh nghèo đói và sẽ vươn lên mạnh mẽ.

Chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội lịch sử.

Vào buổi rạng đông của thời đại mới, chúng ta, cũng như hầu hết các nước phương Đông, đã không ý thức được rằng đã đến lúc phải xét lại toàn bộ các giá trị và tập quán, phải đổi mới hoàn toàn cách suy nghĩ và tổ chức. Trong nhiều thế kỷ chúng ta đã hài lòng với khuôn mẫu xơ cứng Khổng Mạnh, bỏ mất óc sáng tạo và dẫm chân tại chỗ ; trong khi người Phương Tây, nhờ óc khách quan và phương pháp, nhờ biết xét lại và đổi mới không ngừng đã tiến lên mạnh mẽ, đã hơn hẳn phần còn lại của thế giới.

Vì không biết thích nghi kịp thời như một số quốc gia may mắn khác, chúng ta đã thất bại trước người Phương Tây, đã mất chủ quyền, đã phải chịu cái nhục bị đô hộ. Mất chủ quyền, chúng ta đã mất luôn khả năng hội ý với nhau để cùng nhau tìm một lối thoát cho đất nước, rồi từ đó dần dần mất luôn tinh thần đối thoại để dàn xếp những bất đồng.

Bước vào thế kỷ thứ hai mươi, chúng ta phải giải quyết cùng một lúc hai vấn đề vô cùng khó khăn : giành chủ quyền dân tộc và thích nghi với một nền văn minh mới. Vì không đồng ý được với nhau trên một dự án quốc gia mới nên chúng ta đã xung đột với nhau ngay cả trên mục tiêu mà mọi người Việt Nam đều ao ước là lấy lại quyền tự chủ. Chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội để giành lại độc lập và vươn lên khi chế độ thực dân sụp đổ sau Thế Chiến II. Chúng ta đã chia rẽ, lên án nhau, mạt sát nhau và tiêu diệt nhau, với kết quả sau cùng là phùải chuốc lấy một trong những chế độ độc tài tồi tệ nhất ; trong khi các dân tộc khác dù không tốn hay chỉ tốn rất ít xương máu cũng đã được độc lập, và trong nhiều trường hợp còn xây dựng được cả dân chủ. Sự thiển cận cũng đã khiến chúng ta lỡ mất một cơ hội lớn khi hòa bình được tái lập năm 1975.

Ngày hôm nay nhân dân ta cơ cực và chán nản, đất nước ta kiệt quệ, tụt hậu và bế tắc. Các vấn đề kinh tế, xã hội, môi sinh, đạo đức, giáo dục, nhân mãn, v.v. chồng chất không được giải quyết càng ngày càng trở nên gay gắt hơn và chẳng bao lâu nữa có thể sẽ không còn giải đáp nếu đà băng hoại này cứ tiếp tục. Nước Việt Nam lúc đó có thể bị xóa tên khỏi danh sách các dân tộc có quyền nói tới hạnh phúc. Nhiệm vụ lịch sử của thời đại chúng ta là giải thoát dân tộc khỏi cảnh lầm than hiện nay và cứu đất nước khỏi nguy cơ bị thua kém vĩnh viễn.

Nguy cơ thua kém vĩnh viễn cũng là nguy cơ mất nước bởi vì trong thời đại này, khi ý niệm quốc gia dân tộc đang bị công phá từ mọi phía và đang bị xét lại, những quốc gia không đem lại được hạnh phúc, niềm tự hào và hy vọng vươn lên không sớm thì muộn cũng sẽ bị giải thể.

Con đường ra khỏi bế tắc và vươn lên của chúng ta là dân chủ đa nguyên và nhân quyền. Dân chủ để đặt những vấn đề một cách đúng đắn và chọn một cách đúng đắn những giải pháp và những người trách nhiệm. Đa nguyên để tôn trọng mọi khác biệt, và để thực hiện hòa giùải dân tộc sau những xung đột đẫm máu. Nhân quyền để phát huy sinh lực và sáng kiến của mọi người.

Lịch sử của mọi dân tộc đều chứng tỏ nhân quyền chưa bao giờ ngăn cản ai xây dựng đời mình và dân chủ chưa bao giờ cấm đoán một dân tộc nào tiến lên. Dân chủ đi trước và mở đường cho phát triển, phát triển củng cố và phát huy dân chủ. Đó phải là niềm tin căn bản của mọi người dân chủ Việt Nam.

Nhìn lại đoạn đường đã đi qua ta phải nhìn nhận rằng nguyên nhân của mọi đổ vỡ mà nước ta đã phải chịu đựng là chúng ta đã không đầu tư đủ suy nghĩ để nhận diện những vấn đề trọng đại đặt ra cho mình và để tìm ra hướng giải quyết. Ở mỗi thời điểm, chúng ta luôn luôn thiếu một dự án chính trị thích hợp với thời đại mới và hoàn cảnh đất nước. Cuối cùng chúng ta đã tàn sát nhau vì những ý hệ vay mượn mà chúng ta bảo vệ một cách đam mê hơn cả những dân tộc đã khởi xướng ra chúng.

Đầu tư suy nghĩ vào một dự án chính trị như vậy là điều mà chúng ta phải làm trước hết.

Tổ chức xã hội rõ ràng là chìa khóa của tiến bộ, là yếu tố quyết định chỗ đứng và sự vinh nhục của các dân tộc. Nhưng tổ chức xã hội không thể có bằng sự áp đặt máy móc một khuôn mẫu mà phải được hình thành sau một quá trình trao đổi, do sự gặp gỡ giữa trí tuệ và những thực tại lịch sử, địa lý, văn hóa, đạo đức của mỗi dân tộc. Muốn thay đổi tổ chức xã hội, trước hết phải thay đổi những giá trị nền tảng của xã hội.

Máu và nước mắt của nhân dân, những đổ vỡ của đất nước, sự tủi nhục vì thua kém buộc chúng ta rút ra một bài học dứt khoát là phải từ bỏ tâm lý nóng vội, từ bỏ óc độc quyền lẽ phải, chế ngự lòng đam mê để đối thoại và thỏa hiệp với nhau trong tinh thần tương kính. Thái độ lương thiện và xây dựng này xuất phát từ nhận thức rằng mọi người Việt Nam đều ràng buộc với nhau trong một thân phận chung : nếu đất nước chúng ta giàu mạnh cuộc sống của chúng ta sẽ khá hơn và tất cả chúng ta đều được kính trọng ; ngược lại nếu đất nước chúng ta nghèo khổ và lạc hậu, tất cả chúng ta đều bị coi thường, bất luận chúng ta thuộc thành phần nào, đảng phái nào, hay theo chủ nghĩa nào. Trong hoàn cảnh bi đát hiện nay, điều tốt nhất cho mỗi người cũng là điều tốt nhất cho mọi người.

Dự án chính trị này có tham vọng đóng góp vào một ý thức chính trị mới Việt Nam. Nó muốn được những người dân chủ Việt Nam đón nhận như một tài liệu để thảo luận. Thảo luận để đi đến kết hợp giữa những người cùng theo đuổi một lý tưởng chung là xây dựng một đất nước Việt Nam mà những con người hôm nay có thể chấp nhận và các thế hệ mai sau có thể tự hào.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét