Cây súng và máy thu hình, sức mạnh của dân chủ (Dương Thành Tân)

“…Nhiều người Việt đang đấu tranh chỉ muốn lật đổ cộng sản thôi chứ không muốn gì thêm. Đối với họ vậy là đủ rồi. Những diễn biến đang xảy ở Ai Cập, Tunisia và Ukraina đang chứng minh mục tiêu này chưa đủ. Xin những ai đã đấu tranh chính trị, xin trình bày luôn cách thức giải quyềt khi nêu ra khuyết điểm của đảng cs…”

camera01
Máy thu hình, sức mạnh của dân chủ
Khi các chế độ cộng sản tại các nước Đông Âu gần sụp đổ, ngoài nền kinh tế đi xuống không lối thoát, còn có thêm hai hiện tượng cùng diễn ra là nạn tham nhũng và nạn kiêu binh, y như tình trạng Việt Nam hiện nay.
Một trong những lý do của tham nhũng là chính phủ không trả lương đến mức đầy đủ cho những đảng viên để làm người lương thiện. Những chế độ độc tài cố tình làm như thế. Việt Nam cũng vậy, ngay cả những lúc kinh tế đi lên. Lương công chức cũng chỉ được ba cọc ba đồng. Cộng sản trói buộc lòng trung thành của đảng viên với những lỗ hỗng của pháp luật. Tạo điều kiện cho những người này quơ quào kiếm chác. Bị dân chúng và báo chí bắt quả tang thì sẽ chỉ bị phạt sơ xài, đền bù thiệt hại.

Còn lý do về nạn kiêu binh có phần phức tạp hơn. Chính phủ cộng sản không mua chuộc bằng tiền bạc mà bằng cách cấp phát quyền sinh sát, tác oai tác quái. Những cá nhân liên quan đến an ninh được cấp phát những độc quyền như mãi lộ, buôn bán mức án, đánh người... Bị dân chúng bắt quả tang thì chỉ bị kiểm điểm, đổi công tác, bị án treo.
Cộng sản trói buộc đảng viên với quyền lợi và mặc cảm của những kẻ vì miếng ăn mà phạm tội, phải trung thành vì sợ trả thù.
Những nạn nhân đừng mong kiếm sự công lý trong chế độ này mà nên chờ ở chế độ dân chủ đa nguyên tương lai. Muốn có công lý thì phải có pháp luật phân minh. Không thể gọi là phân mình khi người dân ăn cắp một con vịt bị 3,4 năm tù, công an giết một người bằng dùi cui cũng chỉ bị 4, 5 năm. Vậy một trong những nhiệm vụ đầu tiên của chính phủ tương lai là phải làm lại pháp luật. Và những nạn nhân của chế độ cũ phải được quyền kiện tụng những oan ức trong quá khứ.
Trong các chế độ độc tài, lực lượng an ninh nhiều chừng nào thì quyền lợi công dân lại ít chừng ấy. Chúng ta cũng thấy hiện tượng này rất rõ ràng ở Việt Nam. Ngược lại ở các nước dân chủ, luật lệ về quyền tự vệ của công dân cực kỳ phân minh và tỉ mỉ.
Quyền an toàn bản thân (Habeas corpus)
Trong phạm vi của bài này, xin được trình bày quyền tự vệ tư gia và sỡ hữu vũ khí của công dân ở các nước Tây Âu.
Có 2 nền tảng luật pháp căn bản và thiêng liêng trong các chế độ dân chủ là an toàn bản thân và an toàn về nơi cư trú. Khi bị đe dọa, người dân được quyền dùng mọi phương tiện, kể cả bạo lực để bảo vệ gia đình và nơi cư trú của mình.
Dù mua hay mướn, nơi cư trú của mọi người đều hưởng quyền bất khả xâm phạm; không một ai có quyền xâm nhập vào nhà khi không được cho phép.
Chủ nhà có thể dùng mọi hình thức, ngay cả bạo lực và vũ khí để bắt buộc “những vị khách không mờỉ ” ra khỏi nhà mình, hoặc khống chế hung thủ trong khi chờ đợi cảnh sát đến. Nếu gây hậu quả như  thương tật hay chết người, thẩm phán sẽ xử án những hành vi này theo kiểu bị bắt buộc dùng bạo lực vì phải tự vệ.
Nếu không được chấp thuận, ngay cả những nhà chức trách cũng không được quyền vào nhà dân từ 21 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Chủ nhà có thể dùng mọi hình thức để chống cự, dù phải giết người, để đối phó với tất cả mọi xâm phạm. Đạo luật này do Napoleon lập ra lúc chưa có đèn điện. Trong bóng tối thì chủ nhà không thể phân biệt mục đích của kẻ xấu vào nhà mình để trộm cắp hay giết người, nhiều hay ít, có vũ khí hay không... Sau này các nhà soạn luật thấy rằng nhờ vậy mà tệ nạn trộm cướp vào ban đêm giảm đi rõ rệt, nên họ lưu giữ luật lệ đó đến ngày hôm nay.
Cơ quan chức năng muốn khám xét, tra hỏi về bất cứ lý do gì thì cũng phải chờ qua 5 giờ sáng. Rồi bấm chuông gõ cửa, trình đơn rồi mới được vào nhà, đúng theo pháp luật.
(Trong vài trường hợp đặc biệt, bất kể ngày hay đêm và khỏi cần có đồng ý mà cảnh sát vẫn có thể đột nhập vào nhà người dân là :
 Đang xảy ra án mạng.
 Nhà đang bị cháy hoặc bị lụt lội.
 Là nơi ẩn nấp của hung thủ khi đang bị cảnh sát rượt đuổi.
Những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi đều được liệt kê rõ ràng  Người cảnh sát nào không tuân theo sẽ bị trừng phạt, thậm chí phải thôi chức.)
Một đạo luật được mọi người tán thành vẫn có bề trái của nó. Khi va chạm với thực tế, nó sẽ đầy rẫy những lỗ hỗng nếu không được bổ xung với những điều kiện kèm theo. Cộng sản cũng có luật lệ hao hao kiểu này, mà công an, thẩm phán có tôn trọng đâu?
Đó là khuyết đìểm của chế độ toàn trị khi những người soạn thảo, kiểm soát và áp hành luật lệ cùng chung một đảng.
Lý do ít được nêu ra hơn là muốn tự vệ thì phải có đủ sức mạnh. Không ai có thể bảo vệ bản thân và gia đình bằng tay không khi hung thủ có sẵn số đông lẫn hung khí... Nếu Việt Nam tương lai công nhận quyền sỡ hữu đất đai, an toàn cá nhân thì phải chấp nhận cho người dân sỡ hữu vũ khí.
Ngay cả súng đạn.
Nhiều người đấu tranh đòi quyền tự do ngôn luận, tự do bầu cử, tư hữu đất đai... nhưng thường bỏ qua một quyền quan trọng nữa là quyền dùng vũ khí để tự vệ. Nó lại là một trong những nền tảng của các chế độ dân chủ. Với nhiều hình thức và điều kiện khác nhau, pháp luật của các quốc gia dân chủ đều cho phép người dân sở hữu vũ khí.
Ở nước Mỹ, quyền sở hữu súng đạn là một trong những quyền lợi thiêng liêng nhất đã có từ thời lập quốc.
 Ở nước Do Thái, mỗi công dân là một người lính. Du khách thường thấy họ đeo súng ở khắp mọi nơi. Từ bãi biển đến quán ăn. Từ hộp đêm đến siêu thị. Những quân nhân này đeo súng kè kè bên mình vì phải làm rất nhiều thủ tục rườm rà khi muốn gởi cất súng ống trong doanh trại quân đội.
Mới đây, đề nghị bãi bỏ hệ thống quân dịch bị dân Thụy Sĩ phản đối. Dân chúng không muốn quốc gia có một quân đội nhà nghề. Họ vẫn muốn mỗi người dân là một người lính. Sau thời gian nhập ngũ, những nguời lính-công dân trở thành trừ bị, họ được quyền cất giữ súng ống của quân đội giao cho ở nhà. Nhiều người xem quân đội là một trường học ý nghĩa nhất trong cuộc đời họ.  Và dân Thụy Sĩ được xem là một trong những dân tộc có kỹ luật và dân trí cao trên thế giới.
Quyền sử dụng vũ khí
Nhưng quá tự do về vũ khí cũng là vấn đề, những vụ thảm sát hàng loạt là những bằng chứng. Dù luật lệ cho phép, nhiều quốc gia vẫn tìm cách hạn chế súng đạn. Họ đặt ra những điều kiện gắt gao mà mỗi công dân phải có về chuyện cất giữ, di chuyễn, sử dụng...
Về quyền sở hữu vũ khí, một Việt Nam tương lai không thể bắt chước sự tự do quá đà của Mỹ. Mà cũng không thể cấm tuyệt đối như cộng sản. Chính phủ nên hạn chế, chọn lọc cho đúng đối tượng và đúng hoàn cảnh.
Trước hết, công dân nào muốn sở hữu vũ khí thì phải là những người trưởng thành. Trong vài quốc gia, “đủ trưởng thành” để sỡ hữu vũ khí bắt đầu từ 25, 30 tuổi chứ không phải lúc qua 18 tuổi . Nhờ vậy mới tránh được những bốc đồng của tuổi trẻ.
Để tránh những tai nạn ngoài ý muốn, người sử dụng vũ khí phải có một nơi an toàn để cất giữ súng đạn. Những nơi này phải kín đáo, có ổ khóa để những người khác và trẻ em không táy máy ngỗ nghịch được.
Dù ở trong tủ khóa, những vũ khí này cũng không được ở trong tình trạng sẵn sàn hoạt động mà phải ở trạng tháo rời. Hay ít nhất là không được nạp đạn sẵn. (Nhưng những điều kiện cất giữ này không còn hiệu lực ở trong đêm. Vì không người lạ nào được xâm nhập nhà của người khác để khám xét, bắt quả tang. Ngay cả các nhà chức trách.)
Súng đạn được phân chia thành nhiều loại. Để tránh những vụ thảm sát hàng loạt như ở Mỹ, cấm tuyệt đối những vũ khí có khả năng sát thương lớn, bắn tự động, chứa được nhiều viên đạn, súng trường ...
Ai đã từng cầm súng đạn cũng đều biết có một khẩu súng không là tất cả. Muốn sử dụng một cách thành thạo và an toàn thì phải học hỏi và luyện tập. Nếu Việt Nam chấp nhận cho công dân mình có quyền tự vệ, được sở hữu súng đạn thì phải cho phép mở trường bắn súng. Những trường này sẽ dạy cho những người sử dụng những quyền hạn tự vệ theo pháp luật, quy luật an toàn, cách thức lắp ráp lau chùi, thế đứng, cách nhắm, cách bóp cò ...
Và cũng vì lý do an toàn, người sử dụng súng không được mang súng đạn khơi khơi từ nhà đến trường bắn mà phải bỏ súng vào hộp riêng, súng và đạn để riêng nhau. Người nào không chấp hành nghiêm chỉnh theo luật lệ sẽ bị rút quyền sở hữu vũ khí vĩnh viễn.
Ai ai cũng sẽ được quyền sỡ hữu vũ khí ?
Trên lý thuyết thì là vậy. Nhưng thực tế thì không nên vậy. Người sỡ hữu vũ khí phải được sàng lọc qua nhiều khía cạnh khác nhau. Như phải có nhà cửa, công ăn việc làm, không có xung đột với hàng xóm, không có tiền án vì bạo lực, được các thành viên trong gia đình chấp nhận... Rốt cuộc rồi trong ngần ấy người, chỉ những thành phần lương thiện, có gia cảnh đầm ấm, đủ điều kiện kinh tế mới có quyền sở hữu súng đạn.
Ở các nước không nổi tiếng về những vụ giết người hàng loạt, người ta ước lượng chỉ khoản chừng 10 % đến 15 % công dân có súng đạn mà thôi. Công dân phải qua đủ thứ cực hình vì mua súng, sử dụng, cất giữ, học lý thuyết, thi cử để có bằng cấp, tốn tiền tiêu thụ đạn dược. Rồi trước đó phải hội đủ điều kiện này, giấy phép nọ. Nên ai muốn sỡ hữu vũ khí phải tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Nếu nước nào muốn bớt có người chết vì súng đạn thì phải làm sao để việc sỡ hữu súng đạn mãi là một quyền hạn khắc khe và tốn kém. 
Có cách thức nào tự vệ ít khắt khe và bớt tốn kém hơn không ?
Dạ thưa có.
Song song với việc sở hữu súng đạn, người dân có thể tự bảo vệ bằng cách dùng máy quay phim, camera, điện thoại di động... Một lần nữa, luật lệ về chuyện thu hình ảnh ở các nước dân chủ cũng rất phân minh, rành rẽ. Nếu chưa thì họ cũng đang bàn cãi để công dân sớm có thêm một phương tiện tự vệ. Có một máy quay phim không thể gắn đâu thì gắn. Mà cũng không thể thu hình bất cứ việc gì với bất cứ ai.
Nơi đặt máy quay phim không được là nơi công cộng mà phải ở tư gia. Nhưng từ tư gia, sân vườn, chủ nhà được phép thu hình những nơi công cộng như đường phố, vỉa hè.
Nếu gắn ở trong nhà, chủ nhà cũng không được đặt ở một nơi có thể xâm phạm đến đời sống riêng tư của những thành viên khác trong gia đình như phòng ngủ, phòng vệ sinh...
Chủ nhà không được đặt camera ở một nơi có thể thu hình ảnh ở những nhà kế bên nếu không được láng giềng cho phép. Sự cho phép này phải có bằng chứng trong pháp lý bởi giấy tờ, chữ ký.
Nhiều nước tự do xem không-gian-trong-xe-hơi cũng là tư gia. Vì thế công dân cũng được quyền gắn máy thu hình trong xe của họ. Nếu Việt Nam cho phép gắn máy quay phim thì sẽ bớt được nạn mãi lộ. Khi có tai nạn, nhờ camera thi cũng có thể phân biệt kẻ đúng người sai chính xác và mau chóng hơn.
Vì quyền tự do cá nhân, trên lý thuyết thì không được phép quay hình  người khác nếu không được cho phép. Nhưng người sử dụng camera có thể thu hình người khác khi bị đối xử bất công hay đang tranh chấp quyền lợi.
Sau đó có những loại người vì nghề nghiệp, địa vị trong xã hội phải chấp nhận cho người khác quay phim.
Những đối tượng đó là cảnh sát trong lúc kiểm tra giấy tờ xe cộ, khám xét nhà cửa.
Ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng... phải chịu cho người khác quay phim chụp hình vì là người của công chúng.
Tòa án cũng không được quyền từ chối quay phim một phiên tòa nếu bên bị hại đã yêu cầu.
Trong mọi quốc gia dân chủ, quyền lợi đồng nghĩa với trách nhiệm. Người sở hữu vũ khí có trách nhiệm che chở và bảo vệ những nạn nhân tại tư gia đến khi cảnh sát đến. Người có máy ghi hình có trách nhiệm bàn giao hình ảnh giúp nhà chức trách điều tra và giúp nạn nhân truy tầm bằng chứng. Nếu không thì họ có thể bị kiện.
Luật pháp Việt Nam rất lơ mơ trên những vấn đề này vì vậy nó là cản trở lớn trong việc chống tham nhũng. Không cho các viên chức tham nhũng, mãi lộ, buôn bán chức tước, quan hệ con ông cháu cha ... thì ngay những thành phần trong nhóm lợi ích cũng chẳng theo cộng sản nữa. (Xin hiểu nhóm lợi ích theo nghĩa rộng, từ anh công an xã được quyền tác oai tác oái đến chủ tịch nước được ăn trên ngồi trước). Vi thế nên đảng cộng sản đã soạn luật theo chiều hướng mà không ai có khả năng tự bảo vệ mình. Càng không thể cứu giúp người khác. Chính quyền độc tài nào cũng sợ người dân có sức mạnh và liên kết che chở cho nhau.
Đạo đức của Việt Nam đang ở dưới đáy vì mấy mươi năm sống trong một xã hội mà người dân không có sức mạnh để bảo vệ bản thân và người khác. Dần dần rồi hết dám bênh vực bất cứ ai, dù là hàng xóm, người quen, lẽ phải...
Trong một chế độ hậu-cộng sản, nên có luật pháp cho phép người dân sở hữu vũ khí và dùng camera như những phương tiện bảo vệ. Nhưng quyền sở hữu này phải kèm theo những điều kiện và trách nhiệm.
Cộng sản hô hào chống tham nhũng. Phe đấu tranh cũng hô hào chống tham nhũng. Nhưng cộng sản không thể đưa ra những chánh sách có hiệu quả thật sự  vì chống tham nhũng tức là chống lại ...cộng sản. Phe đấu tranh đã ghi hình, quay phim, tố cáo lên mạng… nhưng không có quyền lực để đẩy lùi tham nhũng.
Thời hậu cộng sản thì người dân vẫn phải chống tham nhũng. Nhưng chống cách nào? Tệ nạn tham nhũng thì chế độ nào cũng có. Nhưng với luật pháp phân minh và kỹ thuật tối tân. Nạn tham nhũng sẽ bị giảm đi rõ rệt. Sự hiện diện của nhiều đảng phái chính trị là một phương cách chống, nhưng chưa đủ. Công khai tài sản cũng là một cách chống, nhưng vẫn chưa đủ
Chế độ hậu cộng sản nên có những chính sách bảo vệ những người dám đứng lên chống tham nhũng. Ngay cả đến việc cấp phát súng đạn và huấn luyện miễn phí những người này nếu họ có yêu cầu. Song song với những biệt đãi khác. Trong xã hội cộng sản hay xã hội khác, muốn làm người lương thiện phải có cả sức mạnh tinh thần và sức mạnh vật chất. Hai thứ bổ xung cho nhau.
Những người chống tham nhũng có thêm khả năng tự vệ và bảo vệ gia đình họ mà bớt sợ bị trả thù. Một người không sợ sẽ lôi cuốn đến nhiều người khác không sợ. Dân thường, nông nhân, công nhân, blogger, nhà báo, luật sư, công chức, người làm chính trị... nhờ đó mà dám mạnh tay chống tham nhũng hơn.
Những lực lượng an ninh đã được trang bị súng ống rồi, cũng cần được trang bị thêm với máy quay phim cá nhân (bodycam) khi thi hành nhiệm vụ. Vậy mọi điều phải quấy đều được giải quyết mau chóng hơn.
Nhiều người Việt đang đấu tranh chỉ muốn lật đổ cộng sản thôi chứ không muốn gì thêm.Vì đối với họ vậy là đủ rồi. Những diễn biến đang xảy ở Ai Cập, Tunisia và Ukraina đang chứng minh mục tiêu này chưa đủ. Xin những ai đã dấn thân đấu tranh chính trị, hãy trình bày luôn cách thức giải quyềt khi nêu ra một khuyết điểm của đảng cộng sản.   
Nhờ đó những người đấu tranh khác, nhất là những người trẻ có thể hình dung được một quốc gia công bằng. Do đó họ sẽ có những đường lối đấu tranh chính trị phù hợp để hướng đến dân chủ.
Dương Thành Tân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét